Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án BĐS, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Đặc biệt, khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp cùng huy động vốn khác đã dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu vốn để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 cũng đã trở thành một trong những thách thức cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực địa ốc.
Thiết giảm chi phí để giảm giá nhà
Để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp BĐS cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng , còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm BĐS, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm , cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân , vừa túi tiền.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường BĐS sẽ phục hồi, phát triển bền vững.
Tiền Phong